Cho
đến giờ, lớp con cháu của làng gỗ Sơn Đồng không ai còn nhớ rõ xuất xứ
của nghề, chỉ biết rằng sản phẩm của làng nghề đã được xác định từ
hàng trăm năm nay. Ngót hơn một trăm năm qua, người làng Sơn Đồng không
chỉ tài tình trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những bức tượng Phật bà
nghìn tay, nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát
cống.. nổi tiếng trong cả nước, mà từ cái thời xa xưa ấy, người Sơn
Đồng đã biết nhắc nhau phải luôn kính trọng nghề tổ tiên ban tặng cho
mình: Nghề sơn, tạc tượng thờ - nghề đã tạo nên cho làng quê Sơn Đồng
biết bao nghệ nhân có đôi tay tài hoa, được vua Khải Định ban thưởng;
được người Pháp phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Từ vùng đất tổ Hùng
Vương đến Nam thiên đệ nhất động - chùa Hương, bất cứ đâu trong cả
nước, người ta cũng thấy có tượng thờ do chính bàn tay thợ gỗ Sơn Đồng
chế tác. Một điều rất đặc biệt ở những người thợ làng gỗ này là mặc dù
không có dấu hiệu gì trên các pho tượng, song ở đâu đâu người Sơn Đồng
cũng dễ dàng nhận ra được những đường nét không thể lẫn của sản phẩm
tượng gỗ làng mình. Họ đã nhìn vào đó để tự hào có nghề quý được kết
tinh trong đôi bàn tay người thợ quê nhà mà người vùng khác muốn học
cũng khó lòng theo được và còn để “khắc cốt ghi tâm” phải giữ tròn chữ
tín cho nghề tổ. Khách thập phương sau này cũng vì kính nể chất lượng
“độc nhất vô nhị” của sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mà quyết một lần tìm
đến thăm làng gỗ... Bí quyết nào khiến sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng
được yêu thích, tạo nên uy tín với khách hàng đến vậy, trong khi trong
cả nước có biết bao làng nghề cũng chuyên làm đồ thờ cúng như Sơn Đồng?
Câu hỏi được chính những người đang làm công việc truyền, giữ nghề của
làng giải thích rất mộc mạc, đơn giản: “Nhiều đời nay, người làng gỗ
chỉ khắc cốt ghi tâm, một điều là phải biết, phải hiểu thế nào là: Nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Sự
trân trọng của người thợ gỗ làng Sơn Đồng dành cho sản phẩm làng nghề
của mình còn được biểu hiện trong cách cư xử, giao thiệp buôn bán hàng
ngày. Ai ai ở mảnh đất này, từ người già cả trong làng đến các cháu nhỏ
2- 3 tuổi, thế hệ tương lai của làng gỗ, cũng biết gọi các sản phẩm gỗ
này là “ông tượng, ngài tượng” một cách rất thành kính và xếp đặt theo
ngôi thứ rõ ràng, khi chuyển hàng cho khách đều có vải đỏ phủ kín mình
tượng. Nhiều thế hệ vẫn trung thành với nguyên liệu sơn tự nhiên dùng
để sơn tượng, mà phải tự tay người thợ trong làng chế ra mới tin
tưởng... Những việc làm nhỏ mà đầy hàm ý trân trọng ấy đã trở thành nếp
nghề trong đầu mỗi người dân làng gỗ. Đối lại sự trân trọng ấy, nhiều
người nơi xa tới thăm làng cũng dành những tình cảm trân trọng, ưu ái
đặc biệt với người dân Sơn Đồng, người làm ra những sản phẩm được khắp
nơi ngưỡng vọng, thờ cúng. Trăm năm, nét xưa còn lại...
Chuyên
về sản phẩm tượng thờ, nên dù thể hiện sản phẩm theo cách thức nào,
người thợ cũng phải tuân thủ theo tính chất tôn giáo một cách nghiêm
khắc. Cái khó của chế tác tượng thờ còn là: Dù phải đảm bảo những yêu
cầu trên nhưng cũng không được quá cứng nhắc mà phải giàu nét hiện thực
với vẻ mặt dịu dàng, đôn hậu, có thiện có bi, dáng dấp tôn nghiêm vừa
uy nghi vừa gần gũi với con người. Chỉ một nét chạm thôi, người thợ
cũng có thể tạo nên cái thần cho cả một tác phẩm. Những yêu cầu này,
bằng đôi bàn tay tài hoa, người thợ Sơn Đồng thể hiện rất tốt trên sản
phẩm tượng gắn tên làng mình.
Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề sơn, tạc gỗ của
Sơn Đồng cũng có quãng thời gian lắng đọng rồi mai một. Đấy là thời
điểm cả nước đang dốc lòng chống Mỹ, nhiều đình, chùa được dỡ bỏ theo
chủ trương tiêu thổ kháng chiến, việc thờ cúng, hương khói tạm lắng
xuống. Nhiều gia đình làm nghề tượng ở Sơn Đồng thời đó, đã chuyển sang
làm các nghề khác như: Dệt vải, thêu ren, đan thảm len... cho phù hợp
với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khả năng nhạy bén trong
kinh doanh có thể khiến đời sống kinh tế của người dân Sơn Đồng luôn ổn
định trong những thời điểm khó khăn nhất nhưng lại không thể khiến
lòng họ nguôi ngoai nỗi niềm đau đáu nhớ về nghề tổ. Nỗi niềm này đã
được nhiều nghệ nhân thời đó như cụ Dậu, cụ Tường và một vài người
khác... dồn cả vào các sản phẩm tượng gỗ khi đó với mục đích “làm cho
đỡ nhớ nghề”. Chính vì vậy mà nghề gỗ của Sơn Đồng không những không bị
mất đi mà còn được khôi phục nhanh chóng bắt đầu từ năm 1980, được duy
trì, phát triển cho tới tận bây giờ.
Bắt
đầu từ lớp học nghề sơn, tạc đầu tiên do cụ Nguyễn Đức Dậu đứng ra mở
lớp với hơn 30 thanh niên trong làng hồ hởi tham gia học, nghề tạc
tượng, điêu khắc của Sơn Đồng thật nhanh chóng đã sống lại với đầy đủ
những nét tài hoa bao đời. Nhiều người trong làng cho rằng vì bọn trẻ
lúc nhỏ luôn được ông, bà kể cho nghe những câu chuyện, những điển tích
về Phật bà Quan Âm, về đức Liễu Hạnh,... mà ngấm dần vào máu thịt lúc
nào không hay. Chúng được sống trong môi trường lúc nào cũng thấy cha,
ông cần mẫn, đục đẽo nên chẳng xa lạ nữa, song cũng có không ít người
lại khẳng định rằng đấy là cái tố chất khéo léo, tài hoa đặc biệt của
người Sơn Đồng với nghề truyền thống. Cách giải thích nào cũng có lý,
cũng thật tự nhiên Cho đến nay, bên cạnh lớp nghệ nhân xuất sắc, ở làng
gỗ Sơn Đồng, người ta còn thấy có cả một thế hệ thợ sơn, tạc trẻ trung,
sức dài vai rộng và đặc biệt rất chí thú theo nghề tổ. Lớp trung niên ở
làng gỗ, tay nghề giỏi có đến hơn 40 người, mỗi người một thế mạnh
khác nhau, đang được chọn lựa, đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu
nghệ nhân. Trong làng, có hơn 200 hộ sản xuất chuyên nghiệp, có tổ hợp
sản xuất chưa kể hàng nghìn công lao động khác. Không chỉ làm nghề ở
làng mà hiện giờ ở khắp nơi trong cả nước, từ thành cổ Sơn Tây, chùa Đỏ
Hải Phòng, Văn Miếu Quốc Tử Giám... đến cố đô Huế, người thợ Sơn Đồng
đem tài hoa làng nghề làm công việc khôi phục, gìn giữ những nét xưa
lịch sử.
Người Sơn Đông bây giờ có thể tự hào rằng, không những đã sống được mà còn sống rất sung túc bằng nghề của cha ông để lại.